Một bước là thương

1. Đầu năm, có ông bạn nói là chữ “thương” nghe nó nặng tình, nặng nghĩa hơn chữ “yêu” nhiều lắm. Thiệt vậy! Chuyện yêu, tưởng là khó vì phải tìm được một người “tim đồng tim” với mình giữa muôn trùng người nhưng kỳ thực, cái yêu đó nó lại dễ vô cùng. Nói dễ là vì người thì khó kiếm, chứ kiếm được rồi thì… bụp phát là yêu, là thấy hạnh phúc ngời ngời và tỉ như, có mất đi người yêu này thì mấy mươi năm cuộc đời nữa, có khi vẫn còn tìm được người thay. Còn người thương, đó phải là người yêu mình lắm, phải là người gắn kết với mình lâu lắm, là người cùng mình đi qua nhiều quãng đời lắm và là người luôn mong mình vui khỏe, hạnh phúc, ngay cả khi không còn ở cạnh; và không phải người yêu nào cũng có thể cùng mình đi qua ngần ấy chuyện rồi trở thành người thương. Thế mới nói, chữ thương nó nặng nợ, nặng tình hơn chữ yêu nhiều, dễ gì mà thốt lên hai chữ đó!

Khi viết những dòng này, mình nghĩ ngay đến mẹ, nghĩ đến tình cảm mà mẹ dành cho ba, nó vẫn vẹn nguyên, son sắt từ lúc ông ở đỉnh cao danh vọng cho đến khi trắng tay, nợ nần; đến ngày ba về với cát bụi, mọi thứ vẫn không thay đổi và thậm chí bà còn mong cho những người phụ nữ mà chồng mình bỏ lại được an nhiên, đủ phúc hơn đã từng. Sự vị tha, bao dung đến mức nhiều người cho là “ngu ngốc” thế kia, người ta chỉ có thể dành cho người thương của mình, nó là tình, là nghĩa, là thứ cao hơn cả yêu.

2. Với mình, mẹ luôn là người thương quan trọng nhất. Là người cho mình hình hài, cho mình tình yêu thương vô bờ bến, là người dạy mình sống chân thành, cho mình niềm tin vào cuộc sống, buông bỏ những sân si không đáng có, là người sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời để vun đắp cho mình những điều tốt đẹp nhất và hẳn nhiên, cái tình mà mình dành cho mẹ, mãi không lớn bằng cái mà đã, đang và sẽ dành cho mình.

Mình, rồi sẽ yêu, sẽ thấy cần người yêu, thấy hạnh phúc khi ở bên người yêu hơn là ở với mẹ, điều đó chắc sẽ làm nàng buồn nhưng chắc chắn, nàng ấy sẽ vẫn luôn ở bên cạnh mình, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Hoặc như chị mình, hồi Tết về nhà chồng, giận hờn gì đó với chồng nên chị gọi về khóc than với mẹ… Mẹ mình nghe xong là xót, là thương, mong con về nhà sớm. Vậy rồi dăm ba bữa sau, chị mình lại nói với mẹ rằng ở nhà sui gia vui quá rồi để mặc nàng ở nhà một mình. Chị vui vầy, hạnh phúc còn mẹ thì xót xa và vẫn mong con về và tuyệt nhiên chẳng hề giận dỗi. Bởi vì cùng với ba, mình và chị đều là người thương của mẹ nên dù trong hoàn cảnh nào, dù bị “bỏ quên” thì nàng vẫn mong 3 người được hạnh phúc. Nói người thương nặng tình, nặng nghĩa là ở đó.

3. Mình khác chị gái một chút, ở chỗ nhận ra tình cảm mà mình dành cho mẹ mãi không thể so sánh với tất cả những gì nàng dành cho mình. Thế nên khi nào bị cuống vào chuyện yêu đương mình cũng cố điều chỉnh làm sao để chu toàn tình cảm, không để mẹ có cảm giác mất con trai hay bị bỏ quên giữa đời. Mình quan niệm, người yêu, có yêu đến 10 năm cũng chưa chắc trở thành người thương của mình, sau 10 năm đó, mình vẫn còn cơ hội đi tìm một người khác. Còn mẹ, giữa mình với nàng ấy chỉ còn chưa tới 480 ngày gặp nhau, nếu lúc này không trân quý thì 5 năm, 10 năm nữa liệu mình có tìm được người thương thay thế?

4. Nếu hỏi mình thế nào là cực hình, thì đó là việc lựa chọn giữa người thương và người yêu trong những tình huống xung đột, khẩn cấp. Tỉ như khi đứng giữa chọn lựa cứu mẹ hoặc người yêu ra khỏi biển lửa chẳng hạn! Lúc đó, có người sẽ chọn mẹ/cha, có người sẽ chọn cứu người yêu vì mẹ/cha già, nói cho cùng cũng đến ngày “trăm tuổi già”, còn người yêu sẽ là người cùng họ đi tiếp 60 năm cuộc đời nữa, để thành người thương. Biển lửa, thật ra chỉ là một cách ẩn dụ mà mình muốn ám chỉ những ngả rẽ buộc chúng ta chọn lựa giữa hai người và thông thường, đa số sẽ chọn người yêu để hy vọng đi cùng họ đến cuối đoạn đời rồi thành người thương của nhau, như chị mình, người yêu cũ của mình đã chọn.

Một bước đưa tay nắm một người để thành người thương, coi dễ mà khó vì trong tình huống sinh tử như thế, bỏ một người để nắm tay một người đi là nặng tình lắm chứ!

Mà dù chọn lựa thế nào thì cũng phải có người bị tổn thương, có người mang tội.

Nên mới nói, một bước là thương, có dễ cho cam. Vậy nên, mai mốt đừng có vội vàng nói thương ai đó nha chưa!

2 Comments Add yours

  1. Bà Tám says:

    Chuyện cứu người yêu hay cha mẹ khi gặp lúc nguy khốn, dù tôi vẫn biết đây là một ẩn dụ vẫn muốn góp ý một câu, có lẽ là tùy theo sức của mình và ai đang ở gần trong tầm tay để mình có thể cứu. Bị bắt phải chọn lựa giữa người này với người kia thật là khó xử dễ gây nên xung đột trầm trọng giữa bản thân và người thân. Tôi nghĩ thế.

    1. Dạ, cảm ơn cô (con đoán vậy, không biết đúng không, hihi) đã góp ý. Như đã nói, đó chỉ là một giả dụ con nêu ra để thấy rằng, lựa chọn giữa người yêu người thương là điều không phải dễ dàng. Còn thực tế, con nghĩ rằng không ai trong chúng ta dám chắc được quyết định của mình trong những thời khắc như thế vì dẫu gì, tương lai là cái mình không biết được.

Leave a reply to Bí Pụng Pự Cancel reply